THIỀN ĐỊNH (SAMADHI)/ CHỈ (SAMATHA) THÔNG QUA NIỆM HƠI THỞ (ANAPANASATI)
PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN NÃO BỘ TĂNG KHẢ NĂNG TẬP TRUNG
Hướng dẫn này được giản lược theo kinh nghiệm cá nhân, dựa trên hướng dẫn pháp hành trường thiền Pa-Auk, Myanmar – Đại lão Hòa Thượng thiền sư Pa- auk Sayadaw.
Tại Pa-Auk, các thiền giả lâu năm có khả năng tập trung cao độ tới mức không thể lay động (bạn có thể hét tên, ấn mạnh người họ mà không thể khiến họ ngưng tập trung hành thiền).
Bước 1:
Ngồi thẳng lưng, chọn bất kì tư thế ngồi nào thoải mái, thích hợp nhất. Không nhất thiết phải ngồi chéo chân, dùng nệm hay ghế đều được. Cối lõi là thư giãn, thả lỏng, không căng gồng cơ thể mà vẫn có thể giữ cho cột sống thẳng (duy trì sự tỉnh thức mà không căng thẳng).
Bước 2:
Xác định giờ không phải là lúc suy nghĩ, lo lắng và lên kế hoạch. Nếu bạn chợt nhớ điều gì đó rất quan trọng và nghĩ rằng mình phải nhớ nó hay phải suy nghĩ về nó, đừng làm như thế trong lúc đang hành thiền. Nếu thật sự cần thiết, có thể viết điều quan trọng đó vào cuốn sổ tay bên cạnh và rồi không nghĩ về nó nữa khi đang hành thiền. Đặt mọi vấn đề khác qua một bên, tự nhắc nhở mình rằng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để lo nghĩ. Bây giờ là lúc bạn chỉ cần giữ tâm trên đề mục thiền đó là hơi thở.*Nếu bạn thực sư muốn thành công trong thiền định niệm hơi thở (Anapanasati), phải bỏ qua tất cả các mối lo nghĩ khác. Có nhiều người muốn cải thiện sự tập trung, nhưng không chịu từ bỏ những mối bận tâm gây xao nhãng . Kết quả là tâm của họ luôn lang thang giữa hơi thở và các đối tượng của đời thường, mặc dù họ cố găng giữ tâm yên tịnh, nhưng hoàn toàn thất bại: chỉ vì họ không chịu từ bỏ các dính mắc vào các việc không đáng quan tâm khác. Sự dính mắc vào những mối bận tâm này chính là sự trở ngại lớn nhất cho sự tiến bộ hành thiền. Vì thế điều rất quan trọng là phải cương quyết gạt bỏ những việc khác, dành trọn tâm trí cho việc hành thiền trong lúc thiền.
Bước 3:
Trở nên quen thuộc với hơi thở qua việc thực hành. Sau khi thư giản toàn thân và chấm dứt tất cả các suy nghĩ, đặt sự tập trung tại cảm nhận xúc giác nơi hơi thở vào-ra: điểm xúc chạm dễ cảm nhận nhất là vùng xung quanh mũi và đỉnh môi trên. Giữ cho tâm bám sát hơi thở, không điều khiển nhịp thở. Hãy nhớ, thở là việc tự động – hãy để cho cơ thể làm việc đó một cách tự nhiên. Điều quan trọng là chọn một vùng cảm nhận xúc giác cố định để liên tục duy trì sự chú ý vào đó chứ đừng cố gắng cảm nhận toàn bộ đường đi của hơi thở.
Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy khó nhận biết hơi thở. Điều đó có nghĩa là hơi thở trở nên nhẹ nhàng hơn, bạn đã trở nên thư giãn hơn mà chưa quen với điều đó, vậy thôi. Do đó, chỉ cần tiếp tục duy trì giữ sự chú ý ở nguyên vị trí đã chọn cũ một cách thư giãn, chỉ cần biết rẳng mình vẫn đang thở mà thôi. Rồi với sự nhẫn nại và kiên trì, dần dần bạn sẽ tiếp tục cảm nhận được hơi thở. Nếu cố gắng nhiều lần bạn sẽ quen định tâm trên đối tượng hơi thở và sự tập trung gia tăng đáng kể.
Thái độ khi hành thiền cũng rất quan trọng: đừng nên cố gắng quá sức, bởi vì nó có thể khiến bạn cảm thấy chán nản, gồng mình, nhức đầu, căng mắt. Lại nữa, cũng đừng dùng quá ít nỗ lực vì sẽ dễ buồn ngủ. Vì thế phải bảo đảm mình cố gắng đúng mức để luôn nhận biết hơi thở.
Mẹo: Khi những suy nghĩ khởi lên trong tâm, chỉ cần phớt lờ nó đi và đem tâm trở về với hơi thở. Thật vô ích nếu nổi giận với các suy nghĩ ấy hay bực bội với chính mình. Nên chấp nhận rằng, sự xuất hiện của các suy nghĩ nổi lên trong tâm là một điều tự nhiên. Nếu tâm bạn dễ mất tập trung, lang thang đây đó, bạn có thể ghi nhận: khi hơi thở vào hay ra thì nhận biết vào, ra; vào, ra…. hoặc dùng phương pháp đếm, đếm ít nhất là 5 nhưng không quá 10. Ví dụ, nếu bạn chọn đếm đến 8 thì bạn sẽ đếm từ một cho đến 8, cứ thế đếm lại từ 1 đến 8 nhiều lần. Nếu bạn quên mất mình đang đếm tới bao nhiêu thì cứ đếm lại từ đầu, không sao cả.Nếu bạn kiên nhẫn thực hành theo cách này, khả năng tập trung và ghi nhớ sẽ dần dần ổn định vững chắc.Chúc các bạn thực hành kiên trì và thành công
Source: https://www.facebook.com/.../a.168726350.../427926744418341/