“Tôi cảm thấy mình có thể với tay xuyên qua màn hình để đi đến một thế giới khác. Các tia sáng laser trở thành một vòng tròn như nan quạt quay xung quanh, và sau đó có cảm tưởng như màn hình bắt đầu mở rộng ra. Tôi nhìn thấy những tòa nhà cổ bằng đá… giống như một lâu đài… Tôi đang bay trên đó”.
Không phải một giấc mơ, đó là miêu tả của một trong số những tình nguyện viên tham gia vào nghiên cứu ảo giác Ganzflicker – một phương pháp kích thích ảo giác cổ xưa nhưng bạn có thể tự làm ở nhà ngay bây giờ với một chiếc máy tính.
Trải nghiệm ảo giác Ganzflicker
Nhìn chung, các ảo giác Ganzflicker được kích hoạt khi thính giác, thị giác hoặc cả hai giác quan này của bạn tiếp xúc với những kích thích phi cấu trúc và nhàm chán, chẳng hạn như nghe tiếng ồn trắng (whitenoise), nhìn vào một màn hình có màu bệt, nhấp nháy hoặc đơn giản là khi bạn nhắm mắt lại để tìm kiếm bóng tối.
Não bộ khi đó được cho là sẽ khuyếch đại các tín hiệu nhiễu thần kinh khi nó đang cố gắng tìm hiểu tại sao bạn chỉ đang nhìn thấy hoặc nghe thấy một tín hiệu đơn điệu đến vậy. Sau đó, nó sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra các mảnh ký ức giả, chèn chúng vào tầm nhìn cũng như thính giác của bạn khiến bạn nhìn thấy và nghe thấy những hình ảnh và âm thanh không có thật.
Đó là lúc mà ảo giác Ganzflicker xuất hiện.
>>> Tìm hiểu về hiệu ứng Ganzfield.
Hướng dẫn trải nghiệm ảo giác Ganzflicker
Vào những năm 1930 dưới thời đại của Đức Quốc Xã, Wolfgang Metzger, một nhà tâm lý học ở Frankfurt đã xác định được hiện tượng ảo giác và thay đổi tín hiệu điện não khi một người tình nguyện được yêu cầu nhìn chằm chằm vào một tầm nhìn nhàm chán.
Đây có thể được coi là thí nghiệm hiện đại đầu tiên về ảo giác Ganzflicker. Nhưng lịch sử của ảo giác này thực ra đã có từ thời cổ đại. Trong cuốn “Hang động và tâm trí của những người Hy Lạp cổ đại“, tác giả Yulia Ustinova cho biết các môn đồ của nhà toán học Pytago thường tự nhốt mình nhiều ngày trong các hang động tối đen như mực để tìm kiếm sự thông thái thông qua các ảo giác đến từ sự cách ly giác quan trong im lặng.
>>> Thay đổi nhận thức trong bể cách ly giác quan (sensory deprivation)
Các báo cáo hiện đại xác nhận trường hợp của những người thợ mỏ gặp ảo giác khi bị mắc kẹt dưới lòng đất lâu ngày. Ngược lại, những người thám hiểm Bắc Cực cũng gặp phải ảo giác khi họ nhìn thấy một khung cảnh trắng xóa xung quanh khi chỉ có băng tuyết.
Bây giờ, nếu bạn cũng muốn thử một ảo giác Ganzflicker, hãy cho phép mình có 30 phút nghỉ ngơi, tìm một căn phòng tối, và làm theo hướng dẫn dưới đây:
- Bước 1: Tải về tiếng ồn trắng whitenoise ở đường link này, mở trình phát nhạc và chọn chế độ lặp lại nó nhiều lần.
- Bước 2: Mở đường link này, nhấn F11 để phát hình ảnh nhấp nháy ở chế độ toàn màn hình.
- Bước 3: Đeo tai nghe để nghe tiếng ồn trắng, ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái cho phép bạn nhìn chằm chằm vào màn hình mà không bị mỏi.
- Bước 4: Thư giãn và đợi cho ảo giác Ganzflicker xuất hiện. Báo cáo nghiên cứu cho thấy thông thường chỉ mất khoảng 10-30 phút để bạn nhìn thấy các hình ảnh kỳ lạ.
Ngoài ra, bạn có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu ảo giác Ganzflicker bằng cách viết lại trải nghiệm của mình (bằng tiếng Anh) vào bảng khảo sát này. Họ đang cố gắng thu thập dữ liệu ảo giác Ganzflicker của mọi người từ khắp nơi trên thế giới.
Các nhà khoa học khẳng định ảo giác Ganzflicker là vô hại và sẽ biến mất sau khi bạn tháo tai nghe và tắt màn hình. Nó không để lại các hiệu ứng tâm lý hay thay đổi trong não bộ nào kéo dài. Nhưng những người yếu bóng vía không nên thử ảo giác này vì đôi khi có có thể tạo ra nhiều hình ảnh ma quái đáng sợ.
Người có tiền sử động kinh được khuyến cáo không nên nhìn vào một màn hình nhấp nháy, nếu vậy, họ có thể thử một phiên bản màn hình tĩnh của Ganzflicker theo video dưới đây:
Trải nghiệm ảo giác Ganzfeld Effect 30 phút
Nếu bạn vẫn không thấy ảo giác Ganzflicker?
Reshanne Reeder, giảng viên cao cấp về Tâm lý học tại Đại học Edge Hill, Anh Quốc, người có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về ảo giác Ganzflicker cho biết: Trên thực tế, không phải ai cũng có thể trải nghiệm ảo giác này một cách sống động.
“Trong các nghiên cứu với thử nghiệm ảo giác Ganzflicker, chúng tôi phát hiện ra gần một nửa số người tham gia sẽ ngủ quên và hoàn toàn không thấy gì. Nửa còn lại chủ yếu chỉ nhìn thấy các họa tiết hình học đơn giản hoặc những mảng màu sắc huyễn hoặc”, Reeder viết.
Theo các nhà nghiên cứu, cơ hội trải nghiệm ảo giác Ganzflicker liên quan đến khả năng xử lý hình ảnh của từng bộ não của từng người.
Giống như một chiếc màn hình máy tính có tần số làm tươi hình tính bằng Hz, phần não xử lý thông tin thị giác hay vỏ não thị giác của bạn cũng có một “nút” làm mới liên tục, giúp nó lấy mẫu môi trường – bằng cách chụp liên tiếp các bức ảnh từ thế giới bên ngoài.
Nói theo một cách khác, bộ não của bạn thu thập thông tin thị giác với một tần số nhất định. Nhưng khác với một chiếc màn hình nhấp nháy, não bộ có thể khỏa lấp chỗ trống giữa các khoảng tối mà nó không chụp được bằng các hình ảnh tự ngoại suy ra. Nhờ đó, bạn có thể thấy thế giới bên ngoài chuyển động một cách rất mượt mà, gần như không có độ trễ hay giật lag.
Ví dụ, mắt của bạn có một điểm mù ngay bên ngoài trung tâm của tầm nhìn, nhưng bạn sẽ không bao giờ thấy một mảng đen trong tầm nhìn của mình. Đó là nhờ vỏ não thị giác đã trám các thông tin ngoại suy của nó để khỏa lấp toàn bộ trường nhìn cho bạn.
Cơ chế tương tự hoạt động trong một thử nghiệm Ganzflicker, nơi não bộ tạo ra hoàn toàn là các ảo giác khi tầm nhìn của bạn bị đơn điệu hóa. Vấn đề là tần số quét của bộ não mỗi người là khác nhau, dẫn đến trải nghiệm của họ khác nhau khi thử nghiệm ảo giác Ganzflicker.
Reeder cho biết: “Những người có tần số quét hình ảnh trong vỏ não thị giác thấp hơn – gần với tần số Ganzflicker dễ bị ảo giác hơn. Ngược lại, những người có tần số quét cao hơn trong vỏ não thị giác cung cấp cho họ một vùng đệm chống lại tác động của Ganzflicker”
Tuy nhiên, đa số chúng ta sẽ nằm ở đâu đó giữa hai thái cực này. Vì vậy, bạn có thể không bị buồn ngủ khi thử nghiệm ảo giác Ganzflicker, nhưng có thể bạn cũng sẽ không thực sự nhìn thấy một lâu đài thời trung cổ hay một ảo giác toàn ảnh siêu thực khi thử nghiệm nó.
Mặc dù vậy, đa số người tham gia thử nghiệm ảo giác Ganzflicker cho rằng nó rất đáng để thử. Bản thân việc “hack” vào vỏ não thị giác của mình đã là một ý tưởng thú vị, và tại sao không thử vận may của mình với điều đó chứ?
Một lời cảnh báo cuối cùng là nếu bạn thực sự thấy những ảo giác thú vị với Ganzflicker, coi chừng bạn có thể nghiện nó đấy.
Theo GenK tổng hợp.