Menu Close

Thiền là gì? Tại sao lại thiền? Làm thế nào để thiền hiệu quả?

Nguồn: Float Vietnam

Hãy tưởng tượng cơ thể bạn là chiếc điện thoại smartphone. Mắt là camera, tai là mic, loa là miệng, tiền đình là cảm biến chuyển động,…

Hãy tưởng tượng bộ não của bạn là hệ thống chip trên vi mạch bên trong điện thoại. Nó có khả năng lưu giữ thông tin – kí ức, có khả năng xử lí tính toán…

Hãy tưởng tượng tâm trí của bạn là hệ điều hành (iOS, Android, Windows). Tưởng tượng những gì hiển thị trên màn hình là trải nghiệm bạn đang có.

Y học hiện đại, với lối tư duy duy vật, từ lâu luôn cố tìm cách cải thiện phần cứng. Coi mọi triệu chứng, căn bệnh như xuất phát từ cơ thể, bộ não. Chỉ duy nhất tâm linh và tâm lí học là 2 ngành khoa học nghiên cứu và cải thiện phần mềm, giống như khi Apple/Google/Microsoft tìm cách vá lỗi, nâng cấp phần mềm vậy.

Tâm linh VS Tâm lí học

Tâm linh và tâm lí học khác nhau ở phương pháp nghiên cứu. Cách thức thu thập dữ liệu của tâm lí học đó là quan sát khách quan nhiều đối tượng và đi ra kết luận. Còn trong tâm linh, cách thức thu thập dữ liệu đó là khách quan quan sát đối tượng duy nhất đó chính là tâm trí của người nghiên cứu.

Cách quan sát của tâm lí học giống như nhìn vào 10 chiếc xe hơi đang chạy để thấy những điểm chung và đưa ra các kết luận mang tính giả thuyết làm thế nào chiếc xe có thể chạy, thả khói, phanh lại. Cách quan sát của tâm linh giống như bóc tách 1 chiếc xe thành từng phần và đưa ra kết luận về cách thức và quá trình động cơ hoạt động, dẫn đến hành vi chạy, nhả khói, phanh của chiếc xe.

Thiền – Phương pháp nghiên cứu chủ chốt của tâm linh.

Tâm trí con người giống như một hệ điều hành, có nhiều chức năng riêng biệt. Một vài chức năng bao gồm: cảm nhận, giao tiếp, quan sát, phân tích, tập trung, tò mò, thèm muốn, điều khiển cơ thể,… tất cả những chức năng này dần xuất hiện trong quá trình tiến hoá từ động vật bậc thấp tới bậc cao, nhằm phục vụ mục đích cơ bản là sinh tồn ở mức cá nhân và phức tạp hơn là ở mức xã hội.

Tâm trí con người con có khả năng tự thay đổi, theo ý muốn chủ quan hay thích nghi theo môi trường. Có thể nói phần mềm “tâm trí” có khả năng tự sửa lỗi. Tuy nhiên, để có thể sửa một thứ gì, thì trước hết phải biết được cơ chế hoạt động chính xác của nó. Do đó, điều kiện ban đầu đó là ta phải hiểu được phần mềm đang chạy trong bộ não này.

Tâm trí con người qua hàng triệu năm tiến hoá đã trở nên rất phức tạp. Để có thể hiểu được cách hoạt động của nó, ta cần nghiên cứu nó. Nghiên cứu là gì? Đó là quan sát và đưa ra kết luận. Trong khoa học, để kết luận đúng một cách khách quan và chính xác, đối tượng cần quan sát phải được đặt trong một môi trường kiểm soát chặt chẽ, không bị ảnh hưởng bởi tác nhân bên ngoài. Việc quan sát phải được thực hiện trong một thời gian dài và chú tâm để thu được đủ dữ liệu. Nếu dữ liệu thu được thiếu sót thì kết quả thu được sẽ trở nên sai lệch so với thực tế. Một điều kiện nữa đó chính là phương pháp luận. Nếu phương pháp luận có lỗi trong logic, thì ngay cả khi dữ liệu đủ, chính xác thì kết luận vẫn là sai lệch.

Kết luận: Thiền chính là quá trình quan sát nghiên cứu tâm trí nhằm đạt được hiểu biết chính xác về cách hoạt động của tâm trí. Nhờ những hiểu biết này mà ta có khả năng can thiệp chỉnh sửa lại tâm trí. Ba điều kiện để hoạt động này đạt hiệu quả tối đa đó là môi trường, thời gian quan sát, và phương pháp luận.

Mục đích mà thiền – tâm linh hướng tới?

Tuỳ vào mỗi cá nhân, mỗi hoàn cảnh mà mỗi người có một mục đích khác nhau. Bài viết sẽ chỉ dừng lại ở 2 hình thức thiền phổ biến mà khoa học đã chứng minh hiệu quả có thực qua nhiều năm nghiên cứu.

Thiền Định (Concentration – Samadhi)

Thiền định hướng tới khả năng tập trung cao độ. Ngày nay con người có khả năng tập trung rất kém do có vô vàn tác nhân kích thích từ bên ngoài. Rất khó để liên tục tập trung vào công việc mà không mở điện thoại facebook mỗi 5-10 phút. Thiền định luyện cho tâm trí khả năng tập trung cao hơn bằng cách giữ sự tập trung quan sát ở hơi thở, mantra (câu chú), hình ảnh, vật thể đơn giản.

Bạn có thể thấy khi mới tập thiền, rất khó để ngồi yên và cảm nhận hơi thở. Cứ một chút ta lại mất sự tập trung mà bị cuốn theo suy nghĩ, hay cảm nhận thời gian trôi chậm, cảm nhận ngứa ngáy trên người. Nhờ luyện tập mà dần dần sự tập trung trở nên vô cùng mạnh mẽ, đến mức có thể chú tâm vào chỉ một đề mục mà quên hết những sự việc xung quanh. Chính vì vậy có những câu chuyện rằng thiền gia lâu năm có thể ngồi yên như khúc gỗ, lay, đánh cũng không ngắt được sự tập trung này. Cũng nhờ sự tập trung cao độ này mà tâm thức không bị xao nhãng bởi các cảm xúc, suy tư mà trở nên tĩnh lặng, bình thản.

Thiền Chánh Niệm (Sati – Mindfulness)

mindfulness

Chánh niệm còn có thể hiểu là luôn luôn cảm nhận rõ ràng, biết rõ tất cả những gì hiện hữu trong trải nghiệm hiện tại (present moment – phút giây hiện tại). Giống như khi bạn mở rất nhiều cửa sổ chương trình trên máy tính nhưng bạn luôn nhận biết được mọi thông tin hiển thị trên màn hình mà không bị quá chú ý vào một chương trình nhất định. Giống như bạn đang nhắn tin trên điện thoại mà vẫn biết được pin còn bao nhiêu %, đồng hồ ở góc hiển thị mấy giờ. Ngược lại với trạng thái chánh niệm là khi bạn chỉ biết dòng chữ tin nhắn mà không biết pin còn bao nhiêu %.

Chánh niệm giúp cho bạn luôn cảm nhận được mọi thứ rõ ràng, đầy đủ và ở mức độ chi tiết rất cao. Bạn nói nhạc hay nhưng nghe một lúc là bạn bị cuốn vào suy nghĩ hay việc khác, đâu còn biết nhạc đang có gì. Khi chánh niệm tốt, cảm nhận thế giới bên ngoài cũng như cảm nhận bên trong thân và tâm rất nhạy bén, mọi thứ sẽ được cảm nhận một cách chi tiết sống động hơn. Giống như xem phim HD so với phim chất lượng thấp vậy.

Nhờ chánh niệm, ta hiểu rõ hơn về cách vận hành của thế giới bên trong tâm-thân lẫn bên ngoài và có thể đạt được khả năng kiểm soát tâm trí – cơ thể tốt hơn.

Làm sao để thiền hiệu quả?

“Thiền chính là quá trình quan sát nghiên cứu tâm trí nhằm đạt được hiểu biết chính xác về cách hoạt động của tâm trí. Nhờ những hiểu biết này mà ta có khả năng can thiệp chỉnh sửa lại tâm trí. Ba điều kiện để hoạt động này đạt hiệu quả tối đa đó là môi trường, thời gian quan sát và phương pháp luận.”

  • Sự tận tâm luyện tập:

Có thể thấy, bước đầu tiên trong thiền, dù là phương pháp hay mục đích nào, đó là quan sát để hiểu được bản chất, cách thức tâm trí hoạt động, giống như lập trình viên hiểu được mã nguồn của phần mềm để có thể can thiệp và sửa lỗi, phát triển các chức năng mới, nâng cấp các chức năng vốn có để đạt được trải nghiệm mong muốn.

Não bộ có khả năng xử lí kì diệu, qua thực hành một thời gian dài sẽ tự học được những kĩ năng rất thú vị. Ban đầu, thiền cũng như tập đàn, tập võ, giống như em bé qươ tay qươ chân tập kiểm soát cử động của cơ thể, mất một thời gian mới có thể thấy những tiến bộ đầu tiên. Và giai đoạn này rất dễ gây nản chí, cần thực sự thực hành đều đặn và chăm chỉ để có thể vượt qua rào cản này và duy trì sự quan sát để thu thập đủ dữ liệu.

  • Môi trường hành thiền:

Người mới tập đàn sẽ không thể tập luyện tốt ở nơi ồn ào, cản trở khả năng cảm nhận âm thanh. Tương tự, môi trường ồn ào với nhiều tác nhân gây khiến tâm trí xao nhãng sẽ cản trở việc quan sát các hoạt động trong tâm. Xa xưa các vị tu sĩ sống ẩn dật, đi tìm những nơi vắng vẻ yên tĩnh trong hang núi, rừng sâu để hành thiền. Phật tử tới tu viện yên tĩnh, lối sống đơn giản, nơi các hoạt động trần tục không còn là cần thiết để duy trì sự sinh tồn xã hội để giảm tối đa các biến số tác động tới dữ liệu quan sát cũng như đơn giản hoá hoạt động tâm trí để dễ dàng can thiệp.

  • Xác định đúng mục đích:

Ngày nay, có rất nhiều phương pháp “thiền” trên thế giới. Từ những phương pháp có mục đích rất thực tế nhằm đạt được khả năng tập trung, duy trì sự an lạc của tâm trí, tăng cường khả năng tư duy, loại bỏ những thói quen xấu cho đến những mục đích rất bay bổng siêu thực. Não bộ có khả năng tưởng tượng và tạo ra các ảo giác không dựa trên thực tế rất mạnh (điển hình trong trạng thái mơ ngủ) nên việc xác định đúng mục đích và phương pháp rất quan trọng để đạt được kết quả một cách khách quan không bị những trải nghiệm do trí tưởng tượng đánh lừa, tạo ra những kiến thức sai lệch.