Menu Close

5 bước giúp bạn có một giấc mơ sáng suốt (Lucid dreaming)

Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Thường Hanh
Tác giả: Thu Anh Nguyen

Một giấc mơ sáng suốt diễn ra khi bạn có thể kiểm soát được những tình huống và tỉnh táo trong cảm xúc của chính mình. Dạng giấc mơ này thường xuất hiện trong giấc ngủ cử động mắt nhanh (REM). 

Theo ước tính, có khoảng 1/2 dân số thế giới đã có một hoặc nhiều giấc mơ sáng suốt trong đời. Trong 20 năm, tiến sĩ tâm lý học Stephen LaBerge đã trở thành người tiên phong trong việc nghiên cứu những giấc mơ dạng này. Ông đã tìm ra những kỹ thuật giúp con người chủ động hơn trong việc trải nghiệm một giấc mơ sáng suốt.

Mặc dù nó thường xảy ra một cách tự phát nhưng kỹ thuật “mơ tỉnh” giúp rèn luyện và duy trì ý thức của bạn khi bước vào giấc ngủ REM. Dưới đây là 5 bước cơ bản để bạn có những trải nghiệm thú vị trong giấc mơ kiểm soát được.

1. Bắt đầu một giấc mơ sáng suốt bằng thử nghiệm thực tế

Thử nghiệm thực tế là một hình thức đào tạo tinh thần. Nó làm tăng nhận thức bằng cách rèn luyện tâm trí và sức khỏe tinh thần.

Tình trạng này liên quan đến vỏ não trước – bộ phận có vai trò trong việc thử nghiệm thực tế và mơ mộng sáng suốt. Để nâng cao khả năng nhận thức, bạn có thể thực hiện các bài kiểm tra thực tế dưới đây, ngay sau khi thức dậy:

  • Tự hỏi bản thân nhiều lần: “Tôi có đang mơ hay không?”
  • Nhìn thật kỹ khung cảnh xung quanh xem có thật hay không
  • Chú ý cách hành xử của bạn với các tình huống thông thường

Ngoài ra, bạn có thể đặt báo thức sau 2-3 giờ để nhắc nhở bản thân thực hiện các kiểm tra thực tế. Những thử nghiệm làm sáng tỏ bí ẩn giấc mơ bao gồm:

  • Nhìn vào gương, xem ảnh phản chiếu trong đó có bình thường hay không
  • Đấm bàn tay vào tường hoặc dùng ngón trỏ đẩy vào lòng bàn tay đối diện, nếu là mơ thì tay sẽ đi xuyên qua
  • Thời gian trong giấc mơ không ổn định, bạn nhìn vào đồng hồ sẽ thấy sự thay đổi liên tục đó
  • Dùng tay véo mũi, nếu vẫn có thể hít thở sâu được thì bạn đang ở trong giấc mơ

Để sức mạnh nhận thức tăng cao, bạn nên chọn một bài kiểm tra thực tế và thực hiện nó nhiều lần trong ngày. Điều này sẽ giúp bạn rèn luyện tâm trí để lặp lại các kiểm tra này trong mơ, kiểm soát được từ một giấc mơ cho đến hàng chục giấc mơ sáng suốt.

2. Quay trở lại giường ngủ

Quay trở lại giường ngủ có liên quan đến giấc ngủ REM trong khi bạn vẫn còn tỉnh táo. Thực tế có nhiều phiên bản của kỹ thuật quay trở lại giường ngủ nhưng thông thường vẫn là các bước sau đây:

  • Đặt báo thức sao cho giấc ngủ đầu tiên của bạn chỉ kéo dài 5 giờ
  • Chuẩn bị môi trường ngủ sạch sẽ, tắt các thiết bị điện tử trước khi ngủ
  • Khi chuông báo thức kêu, hãy giữ cho đầu óc tỉnh táo nhất có thể trong vòng 30 phút
  • Tận hưởng hoạt động yêu thích của bạn trong 30 phút tỉnh táo đó
  • Tiếp tục giấc ngủ

Khi trở lại giấc ngủ, bạn sẽ có nhiều khả năng gặp một giấc mơ sáng suốt. Theo các nghiên cứu, cơ hội kiểm soát giấc mơ phụ thuộc vào mức độ tỉnh táo trong 30 phút giữa 2 giấc ngủ.

3. Cảm ứng ghi nhớ của một giấc mơ sáng suốt

Vào năm 1980, LaBerge đã nghiên cứu một kỹ thuật gọi là “cảm ứng ghi nhớ của giấc mơ sáng suốt” (Mnemonic indjection of lucid dreams – MILD). Đây là một trong những phương pháp đầu tiên sử dụng nghiên cứu khoa học để tạo ra giấc mơ sáng suốt.

Theo đó, kỹ thuật MILD dựa trên hành vi của “bộ nhớ tiềm năng”, bao gồm việc thiết lập ý định để làm một điều gì đó sau này. Trong MILD, bạn thực hiện ý định giữ nguyên ký ức trong những giấc mơ. Để sử dụng kỹ thuật cảm ứng ghi nhớ, LaBerge khuyến cáo bạn làm theo các bước sau:

  • Khi bạn ngủ thiếp đi, hãy nghĩ liên tục về một giấc mơ gần đây
  • Xác định dấu hiệu của một giấc mơ (với các bài kiểm tra thực tế) và cố tìm ra những điều khác thường, kỳ lạ có trong giấc mơ như biết bay, có cánh…
  • Suy nghĩ về việc mơ trở lại, hiểu rõ những điều kỳ lạ này chỉ diễn ra trong giấc mơ
  • Hãy tự nói với bản thân: “Nếu lần sau tôi mơ mộng, tôi muốn nhớ rằng mình đang mơ” nhiều lần trong giấc mơ

Theo Medical News Today, bạn có thể thực hành kỹ thuật MILD sau khi thức dậy giữa giấc mơ để chúng trở nên mới mẻ hơn. Một nghiên cứu năm 2017 đã xác định, sự kết hợp của thử nghiệm thực tế, quay trở lại giường ngủ và MILD đúng cách sẽ mang đến những giấc mơ sáng suốt.

Bạn cũng có thể kết hợp kỹ thuật quay trở lại giường ngủ với MILD bằng cách đặt báo thức để thức dậy sau 5 giờ. Trong khi thức dậy, bạn hãy thực hành các bước của kỹ thuật MILD.

4. Viết nhật ký giấc mơ

Hình thành thói quen viết nhật ký giấc mơ là bước quan trọng để bắt đầu một giấc mơ sáng suốt. Khi viết những gì diễn ra trong mơ, bạn cũng vô tình nhớ lại giấc mơ. Việc này giúp nâng cao nhận thức về mơ mộng của bạn.

Để có được kết quả tốt nhất, bạn hãy chuẩn bị sổ nhật ký cạnh giường ngủ và viết lại tất cả chi tiết trong giấc mơ, ngay sau khi thức dậy. Bạn cũng nên đọc lại những gì mình đã viết hàng ngày để hệ thống hóa lại tất cả các giấc mơ.

5. Giấc mơ sáng suốt thức tỉnh (WILD)

Một giấc mơ sáng suốt thức tỉnh (WILD) xảy ra khi bạn trực tiếp từ giấc ngủ bước vào giấc mơ và kiểm soát chúng. Kỹ thuật WILD giúp tâm trí bạn hoàn toàn tỉnh táo trong khi cơ thể đang chìm vào giấc ngủ.

Để thực hiện, bạn chỉ cần nằm xuống và thư giãn cho đến khi gặp ảo giác. Tuy nhiên, bạn cần trải qua các bước thử nghiệm thực tế, quay trở lại giường ngủ, viết nhật ký và MILD thì mới có thể có giấc mơ sáng suốt dạng trực tiếp. Nếu muốn bỏ qua tất cả các bước trên, bạn sẽ cần sự giúp đỡ của chuyên gia thôi miên để đến với giấc mơ kiểm soát được.

Làm thế nào để thức dậy trong giấc mơ sáng suốt?

Đôi khi bạn cảm thấy mệt mỏi vì những giấc mơ dạng này. Tuy nhiên, bạn khó có thể tỉnh dậy một cách thông thường, cần có một số kỹ thuật thức giấc bao gồm:

  • Nói thật to hoặc thậm chí là la hét để phát tín hiệu đã đến lúc thức dậy cho não bộ của bạn
  • Nháy mắt liên tục sẽ giúp tâm trí bạn sẵn sàng ra khỏi các giấc mơ
  • Ngủ trong giấc mơ có thể đánh thức bạn dậy trong cuộc sống thực
  • Cố gắng đọc bất cứ thứ gì có chữ trong giấc mơ, điều này sẽ kích hoạt não bộ và chuyển sang giấc ngủ không REM

Một số bằng chứng cho thấy giấc mơ sáng suốt có tác dụng hỗ trợ phục hồi thể chất và chữa bệnh. Các bệnh được đề cập đến bao gồm: rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), rối loạn giấc ngủ, ác mộng tái diễn, lo lắng…

Ngoài ra, giấc mơ sáng suốt thường được sử dụng trong liệu pháp luyện tập hình ảnh (IRT). Theo đó, nhà trị liệu sẽ giúp bệnh nhân mắc các chứng rối loạn tinh thần tái hiện lại các cơn ác mộng đen tối. Tiếp đến, họ sẽ thay đổi những trải nghiệm đáng sợ bằng cốt truyện khác dễ chịu hơn.

Bên cạnh sự quyến rũ không thể phủ nhận, giấc mơ sáng suốt cũng có một số nguy hiểm. Các chuyên gia đã phát hiện ra những khía cạnh tiêu cực của dạng mộng mị này, bao gồm: khó ngủ, lo âu, bóng đè và gặp ảo giác.

Nếu bạn là người thích mơ mộng, bạn có thể thử các kỹ thuật ở trên. Một giấc mơ có thể kiểm soát được sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu song hành với tình trạng này là những cơn ác mộng kéo dài, chứng sợ ngủ, giảm trí nhớ và sự hồi tưởng chấn thương thì bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Summer Sale 2024
Đăng ký nhận mã giảm giá
I agree with the term and condition
No, thanks